Dhamma có nghĩa là Pháp. Pada có nghĩa là Câu. Dhammapada tức là những câu ghi chép lại lời dạy Ðức Phật, nên được dịch là Pháp Cú. Dhamma cũng có nghĩa là Pháp, tức chân lý, giác ngộ, giải thoát. Pada cũng có nghĩa là bước chân. Như vậy Dhammapada là những bước chân đưa đến chân lý, giác ngộ và giải thoát. Và mọi lời dạy của Ðức Phật được thâu gọn trong tiến trình Giới-Ðịnh-Tuệ, là pháp môn đưa đến giác ngộ và giải thoát, hay nói một cách hiện đại hơn, Giới-Ðịnh-Tuệ là nếp sống đạo hạnh và trí tuệ được tập trung trong Kinh Pháp Cú này, và đây là đề tài chúng tôi muốn trình bày với quý vị trong mùa Lễ Vu Lan để cúng dường Tam Bảo.
1. Giới (Siia):
Trong nghĩa đầu tiên có nghĩa là: "Chớ làm điều ác" "Hãy làm các hạnh lành" như bài kệ khuyên không nên làm điều ác, nên làm điều lành của Ðức Phật. Giới là bước đầu đi đến Thiền Ðịnh nên được ghi chép gọn ghẽ trong mấy chữ "Ly dục ly pháp bất thiện", mở đầu cho điều kiện chứng đắc thiền thứ nhất. Giới sau này được chia thành giới của bậc xuất gia, được cô đọng thành những pháp môn: "Sống thành tựu giới uẩn thanh tịnh, hộ trì các căn, có tiết độ trong ăn uống, chú tâm cảnh giác, chánh niệm tỉnh giác". Giới cho các bậc tại gia được ghi chép trong năm giới cấm: "Không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong các dục, không nói láo, không say đắm rượu men, rượu nấu". Năm giới này được phân tách ra thành mười hạnh lành: "Từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ lời nói phù phiếm, không có tham, không có sân, không có tà kiến". Từ nơi nếp sống giới đức này, người hành giả không có hối hận nên tâm được hân hoan, nhờ tâm hân hoan, đưa đến hoan hỷ, nhờ tâm hoan hỷ nên thân được khinh an, nhờ thân khinh an đưa đến lạc thọ, nhờ lạc thọ tâm được định tĩnh nhất tâm. Ðó là tiến trình từ Giới đưa đến Ðịnh.
Trước hết, nghĩa ưu tiên của Giới là từ bỏ các điều ác, thành tựu các hạnh lành, và định nghĩa bỏ ác làm lành được Kinh Pháp Cú đề cập đến một cách hết sức phong phú, súc tích và rõ ràng, như những bài kệ sau đây làm sáng tỏ:
"Hãy gấp làm điều lành,
Ngăn tâm làm điều ác.
Ai chậm làm việc lành,
Ý ưa thích việc ác". (Pháp Cú 116)
"Nếu người làm điều ác,
Chớ tiếp tục làm thêm.
Chớ ước muốn điều ác,
Chứa ác, tất chịu khổ". (Pháp Cú 117)
"Nếu người làm điều thiện,
Nên tiếp tục làm thêm.
Hãy ước muốn điều thiện,
Chứa thiện, được an lạc". (Pháp Cú 118)
"Chớ chê khinh điều ác,
Cho rằng 'chưa đến mình',
Như nước nhỏ từng giọt,
Rồi bình cũng đầy tràn.
Người ngu chứa đầy ác
Do chất chứa dần dần". (Pháp Cú 121)
"Chớ chê khinh điều thiện
Cho rằng 'chưa đến mình',
Như nước nhỏ từng giọt,
Rồi bình cũng đầy tràn.
Người trí chứa đầy thiện,
Do chất chứa dần dần". (Pháp Cú 122)
"Ác hạnh không nên làm,
Làm xong, chịu khổ lụy,
Thiện hạnh, ắt nên làm,
Làm xong, không ăn năn". (Pháp Cú 314)
"Ít bạn đường, nhiều tiền,
Người buôn tránh đường hiểm.
Muốn sống, tránh thuốc độc,
Hãy tránh ác như vậy". (Pháp Cú 123)
Như vậy, Giới được định nghĩa là "không làm các điều ác, làm các hạnh lành", và định nghĩa đầu tiên của người Phật tử là không làm những gì có hại mình, hại người, hại cả hai, và tích cực làm những gì về thân, về lời, về ý, có lợi mình, lợi người và lợi cả hai. Người Phật tử là người luôn luôn cố tránh các điều ác, luôn luôn cố gắng làm các hạnh lành.
Sở dĩ Ðức Phật khuyên bỏ ác làm lành, vì người làm điều ác sẽ chịu quả khổ đau, còn người làm điều lành sẽ được sống an lạc, không những trong đời này, mà còn cả đời sau nữa, như các bài kệ sau đây chứng tỏ:
"Nay sầu, đời sau sầu,
Kẻ ác, hai đời sầu ;
Nó sầu, nó ưu não,
Thấy nghiệp uế mình làm". (Pháp Cú 15)
"Nay than, đời sau than,
Kẻ ác, hai đời than,
Nó than: "Ta làm ác"
Ðọa cõi dữ, than hơn". (Pháp Cú 17)
Trái lại người làm lành:
"Nay vui,đời sau vui,
Làm phước, hai đời vui,
Nó vui, nó an vui,
Thấy nghiệp tịnh mình làm" (Pháp Cú 16)
"Nay sướng, đời sau sướng,
Làm phước, hai đời sướng.
Nó sướng: 'Ta làm thiện',
Sanh cõi lành, sướng hơn". (Pháp Cú 18)
Trong một bài kệ khác, Ðức Phật nêu rõ mười loại khổ đau chờ đợi người làm hại người làm thiện, người dùng trượng hại người không dùng trượng:
"Hoặc khổ thọ khốc liệt,
Thân thể bị thương vong,
Hoặc thọ bệnh kịch liệt,
Hay loạn ý tán tâm.
Hoặc tai vạ từ vua,
Hay bị vu trọng tội ;
Bà con phải ly tán,
Tài sản bị nát tan.
Hoặc phòng ốc nhà cửa
Bị hỏa tai thiêu đốt.
Khi thân hoại mạng chung,
Ác tuệ sanh địa ngục". (Pháp Cú 138-139-140)
"Một số sinh bào thai,
Kẻ ác sinh địa ngục,
Người thiện lên cõi trời,
Vô lậu chứng Niết Bàn". (Pháp Cú 126)
Ðối với người tại gia, Ðức Phật khuyên giữ năm giới và những ai phạm năm giới này, tự đào bới gốc mình trong đời này và đời sau:
"Ai ở đời sát sinh,
Nói láo không chân thật,
Ở đời lấy không cho,
Qua lại với vợ người.
Uống rượu men, rượu nấu,
Người sống đam mê vậy,
Chính ngay tại đời này,
Tự đào bới gốc mình". (Pháp Cú 246-247)
Bài kệ kế tiếp nói lên những tai họa chờ đợi người phóng dật theo vợ người:
"Bốn nạn chờ đợi người,
Phóng dật theo vợ người ;
Mắc họa, ngủ không yên,
Bị chê là thứ ba,
Ðọa địa ngục, thứ bốn".
"Mắc họa, đọa ác thú,
Bị hoảng sợ, ít vui.
Quốc vương phạt trọng hình.
Vậy chớ theo vợ người". (Pháp Cú 309-310)
Ðối với đạo Phật, Giới bao giờ cũng là bước đầu trên lộ trường Giới-Ðịnh-Tuệ, là những căn bản đạo đức đứng hàng đầu trong đạo hạnh của người xuất gia và tại gia. Và trong Kinh Pháp Cú này, chúng ta chứng kiến những lời tán thán rất tuyệt đẹp đối với những người có giới hạnh. Trước hết, trong các loại hương, giới hương là đệ nhất:
"Hương các loại hoa thơm
Không ngược bay chiều gió
Nhưng hương người đức hạnh
Ngược gió khắp tung bay
Chỉ có bậc chân nhân
Tõa khắp mọi phương trời". (Pháp Cú 54)
"Hoa chiên đàn, già la,
Hoa sen, hoa vũ quý.
Giữa những hương hoa ấy,
Giới hương là vô thượng" (Pháp Cú 55)
"Ít giá trị hương này,
Hương già la, chiên đàn ;
Chỉ hương người đức hạnh,
Tối thượng tỏa Thiên giới". (Pháp Cú 56)
Người giữ giới, không những được tán dương là tối thượng. Người giữ giới còn được xem là người có sức mạnh đương đầu với Ác Ma:
"Ai sống quán bất tịnh,
Khéo hộ trì các căn,
ăn uống có tiết độ,
Có lòng tin, tinh cần,
Ma không uy hiếp được,
Như núi đá, trước gió". (Pháp Cú 8)
"Giữa ai có giới hạnh,
An trú không phóng dật.
Chánh trí, chơn giải thoát,
Ác ma không thấy đường". (Pháp Cú 57)
"Ðây điều lành Ta dạy,
Các người tụ họp đây,
Hãy nhổ tận gốc ái
Như nhổ gốc cỏ Bi.
Chớ để ma phá hoại,
Như giòng nước cỏ lau". (Pháp Cú 337)
Không những giới có khả năng chống đỡ được Ác Ma, làm cho Ác Ma không thấy đường, Giới còn có khả năng đem đến an lạc cho người giữ giới:
"Vui thay, chúng ta sống,
Không hận, giữa hận thù !
Giữa những người thù hận,
Ta sống, không hận thù !" (Pháp Cú 197)
"Vui thay, chúng ta sống,
Không bệnh giữa ốm đau !
Giữa những người bệnh hoạn,
Ta sống, không ốm đau". (Pháp Cú 198)
"Vui thay, chúng ta sống,
Không rộn giữa rộn ràng ;
Giữa những người rộn ràng,
Ta sống, không rộn ràng". (Pháp Cú199)
"Lửa nào sánh lửa tham ?
Ác nào bằng sân hận ?
Khổ nào sánh khổ uẩn,
Lạc nào bằng tịnh lạc". (Pháp Cú 202)
"Lành thay, phòng hộ mắt !
Lành thay, phòng hộ tai !
Lành thay, phòng hộ mũi !
Lành thay, phòng hộ lưỡi.
Lành thay phòng hộ thân !
Lành thay, phòng hộ lời,
Lành thay, phòng hộ ý.
Lành thay, phòng tất cả.
Tỷ kheo phòng tất cả.
Thoát được mọi khổ đau". (Pháp Cú 360-361)
Và cuối cùng, Giới đem lại ánh sáng cho người hành trì, và được chói sáng như núi Tuyết:
"Người lành dầu ở xa
Sáng tỏ như núi tuyết,
Người ác dầu ở gần
Như tên bắn đêm đen". (Pháp Cú 304)
"Ai dùng các hạnh lành,
Làm xóa mờ nghiệp ác,
Chói sáng rực đời này,
Như trăng thoát mây che". (Pháp Cú 173)
2. Thiền Ðịnh:
Thiền định được xem là pháp vô lậu thứ hai, đưa đến trí tuệ và giải thoát. Người hành giả sau khi giữ giới, đi đến ngoài trời, dưới một gốc cây, hay một nhà trống, rồi ngồi kiết già, lưng thẳng để niệm trước mặt. Người hành thiền an trú niệm trên thân, loại trừ năm triền cái: tham dục, sân hận, hôn trầm, thụy miên, trạo hối, nghi và thành tựu năm thiền chi: tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Như vậy Thiền có mục đích trong sạch hóa năm triền cái làm ô nhiễm tâm, làm yếu ớt trí tuệ, khởi lên tầm tứ để điều phục tâm tư, nhờ vậy mà thân tâm được hoan hỷ, khinh an và an lạc, và từ lạc đưa đến thiền định và nhất tâm.
Do vậy, Ðức Phật đã tán thán khá nhiều thiền định trong tập Kinh Pháp Cú:
"Dầu sống một trăm năm,
Ác giới, không thiền định,
Tốt hơn sống một ngày,
Trì giới, tu thiền định".
Ai sống một trăm năm,
Ác tuệ, không thiền định.
Tốt hơn sống một ngày,
Có tuệ, tu thiền định". (Pháp Cú 110-111)
"Người chế ngự tay chân,
Chế ngự lời và đầu,
Vui thích nội thiền định.
Ðộc thân, biết vừa đủ,
Thật xứng gọi tỷ kheo". (Pháp Cú 362)
"Tỷ kheo, hãy tu thiền,
Chớ buông lung phóng dật,
Tâm chớ đắm say dục,
Phóng dật, nuốt sắt nóng
Bị đốt, chớ than khổ !" (Pháp Cú 371)
"Tu thiền, trú ly trần
Phận sự xong, vô lậu,
Ðạt được đích tối thượng,
Ta gọi Bà la môn". (Pháp Cú 386)
"Ngươi hãy nhiệt tình làm,
Như Lai chỉ thuyết dạy.
Người hành trì thiền định
Thoát trói buộc ác Ma ". (Pháp Cú 276)
Thiền đã được định nghĩa là đoạn trừ năm triền cái và thành tựu năm thiền chi, như vậy là một pháp môn nhằm điều phục tâm, huấn luyện tâm, và do vậy nhiều khi chữ tâm được dùng thay cho chữ thiền định. Ở đây chúng ta chứng kiến vai trò quan trọng của sự tu tập, huấn luyện, điều phục tâm rất quan trọng trong đời sống của người Phật tử tại gia và xuất gia. Vấn đề tự chế ngự điều phục tâm luôn luôn là bổn phận hàng đầu của người tu hành, và tâm rất khinh động, theo các dục quay cuồng, nhưng điều phục tâm không phải là đơn giản:
"Chạy xa, sống một mình,
Không thân, ẩn hang sâu
Ai điều phục được tâm,
Thoát khỏi Ma trói buộc." (Pháp Cú 37)
"Dầu tại bãi chiến trường
Thắng ngàn ngàn quân địch,
Tự thắng mình tốt hơn,
Thật chiến thắng tối thượng". (Pháp Cú 103)
"Tự thắng , tốt đẹp hơn,
Hơn chiến thắng người khác.
Người khéo điều phục mình,
Thường sống tự chế ngự". (Pháp Cú 104)
"Người trị thủy dẫn nước,
Kẻ làm tên nắn tên,
Người thợ mộc uốn ván,
Bậc tự điều, điều thân". (Pháp Cú 145)
"Tự mình, điều ác làm
Tự mình làm nhiễm ô,
Tự mình ác không làm,
Tự mình làm thanh tịnh.
Tịnh, không tịnh tự mình,
Không ai thanh tịnh ai !" (Pháp Cú 165)
"Tự mình y chỉ mình,
Nào có y chỉ khác.
Nhờ khéo điều phục mình,
Ðược y chỉ khó được". (Pháp Cú 160)
"Tự mình y chỉ mình,
Tự mình đi đến mình,
Vậy hãy tự điều phục,
Như khách buôn ngựa hiền". (Pháp Cú 380)
Chính nhờ điều phục tự tâm mà an lạc luôn luôn đến với người thiền định:
"Chớ sống đời phóng dật,
Chớ mê say dục lạc.
Không phóng dật, thiền định,
Ðạt được an lạc lớn". (Pháp Cú 27)
"Khó nắm giữ, khinh động,
Theo các dục quay cuồng.
Lành thay, điều phục tâm ;
Tâm điều, an lạc đến". (Pháp Cú 35)
"Tâm khó thấy, tế nhị,
Theo các dục quay cuồng.
Người trí phòng hộ tâm,
Tâm hộ, an lạc đến". (Pháp Cú 36)
Tâm đã được điều phục, cảnh thiền đã được chứng đắc, thời cùng với trí tuệ được đưa đến cảnh giới an lạc Niết Bàn:
"Người hằng tu thiền định,
Thường kiên trì tinh tấn.
Bậc trí hưởng Niết Bàn,
Ách an tịnh vô thượng". (Pháp Cú 23)
"Tu Thiền, trí tuệ sanh,
Bỏ Thiền, trí tuệ diệt.
Biết con đường hai ngả
Ðưa đến hữu, phi hữu,
Hãy tự mình nỗ lực,
Khiến trí tuệ tăng trưởng". (Pháp Cú 282)
"Không trí tuệ, không thiền,
Không thiền, không trí tuệ.
Người có thiền có tuệ,
Nhất định gần Niết Bàn". (Pháp Cú 372)
3. Trí tuệ:
Từ Thiền bước qua trí tuệ, và như bài kệ trước (Pháp Cú 282 và 372) đã nêu rõ:
"Tu Thiền, trí tuệ sanh,
Bỏ Thiền, trí tuệ diệt."
"Không trí tuệ, không thiền,
Không thiền, không trí tuệ."
Nên người hành giả sau khi đã chứng thiền thứ tư bất động, không lạc không khổ, xả niệm thanh tịnh, vị hành giả bắt đầu dùng trí tuệ để quán sát, quán tưởng tánh vô thường, tánh khổ và tánh vô ngã của mọi sự mọi vật:
"Tất cả Hành vô thường
Với Tuệ, quán thấy vậy
Ðau khổ được nhàm chán:
Chính con đường thanh tịnh".
"Tất cả Hành khổ đau
Với Tuệ, quán thấy vậy,
Ðau khổ được nhàm chán ;
Chính con đường thanh tịnh".
"Tất cả Pháp vô ngã,
Với Tuệ quán thấy vậy,
Ðau khổ được nhàm chán
Chính con đường thanh tịnh". (Pháp Cú 277-278-279)
Nhưng đã bước vào địa hạt của trí tuệ, thời chỉ có người trí mới hiểu được vai trò của trí tuệ và phát triển trí tuệ.
Do vậy, trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật diễn tả cho chúng ta rõ đặc tướng của người ngu để giúp chúng ta phân biệt hạng người nào là không dự phần vào trí tuệ, như các bài kệ sau đây nêu rõ:
"Ðêm dài cho kẻ thức,
Ðường dài cho kẻ mệt,
Luân hồi dài, kẻ ngu,
Không biết chơn diệu pháp". (Pháp Cú 60)
"Người ngu nghĩ là ngọt,
Khi ác chưa chín muồi ;
Ác nghiệp chín muồi rồi,
Người ngu chịu khổ đau". (Pháp Cú 69)
"Nghiệp ác đã được làm,
Như sữa, không đông ngay,
Cháy ngầm theo kẻ ngu,
Như lửa tro che đậy". (Pháp Cú 71)
"Người ưa ngủ, ăn lớn
Nằm lăn lóc qua lại,
Chẳng khác heo no bụng,
Kẻ ngu nhập thai mãi". (Pháp Cú 325)
"Tài sản hại người ngu.
Không người tìm bờ kia
Kẻ ngu vì tham giàu
Hại mình và hại người". (Pháp Cú 355)
"Tự nó chịu bất hạnh,
Khi danh đến kẻ ngu.
Vận may bị tổn hại,
Ðầu nó bị nát tan". (Pháp Cú 72)
"Hại người không ác tâm,
Người thanh tịnh, không uế,
Tội ác đến kẻ ngu,
Như ngược gió tung bụi". (Pháp Cú 125)
"Người ngu si thiếu trí,
Tự ngã thành kẻ thù.
Làm các nghiệp không thiện,
Phải chịu quả đắng cay". (Pháp Cú 66)
"Con tôi, tài sản tôi,
Người ngu sanh ưu não,
Tự ta, ta không có,
Con đâu, tài sản đâu". (Pháp Cú 62)
"Người ngu, dầu trọn đời,
Thân cận người có trí,
Không biết được Chánh pháp,
Như muỗng với vị canh". (Pháp Cú 64)
Cũng vì người ngu có những đặc tánh như vậy, có những thái độ như vậy, nên Ðức Phật khuyên chúng ta nên tránh xa không bạn bè với kẻ ngu:
"Tốt hơn sống một mình,
Không người ngu kết bạn.
Ðộc thân, không ác hạnh
Sống vô tư vô lự,
Như voi sống rừng voi". (Pháp Cú 330)
"Tìm không được bạn đường,
Hơn mình hay bằng mình,
Thà quyết sống một mình,
Không bè bạn kẻ ngu". (Pháp Cú 61)
Ðối diện người ngu là bậc Trí, và Kinh Pháp Cú dành trọn một phần để diễn tả người có Trí, vì chỉ người có trí mới hiểu được vai trò của trí tuệ trong khả năng hướng tiến đến giác ngộ và giải thoát:
"Tinh cần giữa phóng dật,
Tỉnh thức giữa quần mê.
Người trí như ngựa phi,
Bỏ sau con ngựa hèn". (Pháp Cú 29)
"Người trị thủy dẫn nước,
Kẻ làm tên nắn tên,
Người thợ mộc uốn ván,
Bậc tự điều, điều thân". (Pháp Cú 145)
"Như đá tảng kiên cố,
Không gió nào lay động,
Cũng vậy, giữa khen chê,
Người trí không giao động". (Pháp Cú 81)
"Người hiền bỏ tất cả,
Người lành không bàn dục,
Dầu cảm thọ lạc khổ,
Bậc trí không vui buồn". (Pháp Cú 83)
"Như chim thiên nga bay,
Thần thông liệng giữa trời ;
Chiến thắng ma, ma quân,
Kẻ trí thoát đời này". (Pháp Cú 175)
Người trí đã sáng suốt, đã có hạnh tuyệt diệu như vậy nên Ðức Phật khuyên chúng ta nên thân cận bậc trí, hơn bạn bè kẻ ngu:
"Chớ thân với bạn ác,
Chớ thân kẻ tiểu nhân.
Hãy thân người bạn lành,
Hãy thân bậc thượng nhân". (Pháp Cú 78)
"Bậc hiền sĩ, trí tuệ
Bậc nghe nhiều, trì giới,
Bậc tự chế, Thánh nhân;
Hãy gần gũi, thân cận
Thiện nhân, trí giả ấy,
Như trăng theo đường sao". (Pháp Cú 208)
Ðể chúng ta dễ nhận thức sự sai biệt giữa người trí và người ngu, Kinh Pháp Cú có một số bài kệ diễn tả song song người trí và người ngu trong một số đặc điểm, nhờ vậy chúng ta phân biệt người trí kẻ ngu một cách dễ dàng:
"Keo kiết không sanh thiên,
Kẻ ngu ghét bố thí,
Người trí thích bố thí,
Ðời sau, được hưởng lạc". (Pháp Cú 177)
"Chúng ngu si thiếu trí,
Chuyên sống đời phóng dật.
Người trí, không phóng dật,
Như giữ tài sản quý". (Pháp Cú 26)
"Hãy đến nhìn đời này,
Như xe vua lộng lẫy,
Người ngu mới tham đắm,
Kẻ trí nào đắm say". (Pháp Cú 171)
"Sống chung với người ngu,
Lâu dài bị lo buồn.
Khổ thay gần người ngu,
Như thường sống kẻ thù.
Vui thay, gần người trí,
Như chung sống bà con". (Pháp Cú 207)
Và trong một bài kệ thật đặc biệt, Ðức Phật diễn tả thái độ hướng thượng của bậc Trí và thái độ hướng hạ của người ngu:
"Người trí dẹp phóng dật,
Với hạnh không phóng dật,
Leo lầu cao trí tuệ,
Không sầu, nhìn khổ sầu,
Bậc trí đứng núi cao,
Nhìn kẻ ngu, đất bằng". (Pháp Cú 28)
Và một sự sai khác nữa, giữa người ngu và người trí, đối với chánh pháp, được trình bày rõ ràng, trong bài kệ sau đây:
"Người ngu, dầu trọn đời,
Thân cận người có trí,
Không biết được Chánh pháp,
Như muỗng với vị canh.
Người trí, dù một khắc,
Thân cận người có trí,
Biết ngay chân diệu pháp,
Như lưỡi với vị canh". (Pháp Cú 64-65)
Vì chánh pháp đóng vai trò rất quan trọng trong trách nhiệm phát huy chánh kiến, tu tập trí tuệ, đưa người hành giả dần đến mục đích giác ngộ và giải thoát, cho nên trong Kinh Pháp Cú có một số bài khá phong phú đề cao chánh pháp:
"Những ai hành trì pháp,
Theo chánh pháp khéo dạy,
Sẽ đến bờ bên kia,
Vượt ma lực khó thoát". (Pháp Cú 86)
"Vị tỷ kheo thích Pháp,
Mến pháp, suy tư Pháp.
Tâm tư niệm chánh Pháp,
Không rời bỏ chánh Pháp". (Pháp Cú 364)
"Như hồ nước sâu thẳm,
Trong sáng, không khuấy đục,
Cũng vậy, nghe chánh pháp,
Người trí hưởng tịnh lạc". (Pháp Cú 82)
"Ai sống một trăm năm,
Không thấy pháp tối thượng,
Tốt hơn sống một ngày,
Thấy được pháp tối thượng". (Pháp Cú 115)
"Ai sống một trăm năm,
Không thấy pháp sinh diệt,
Tốt hơn sống một ngày,
Thấy được pháp sinh diệt". (Pháp Cú 113)
"Ai sống một trăm năm,
Không thấy câu bất tử,
Tốt hơn sống một ngày,
Thấy được câu bất tử". (Pháp Cú 114)
"Không phải vì nói nhiều,
Mới xứng danh trì pháp,
Những ai tuy nghe ít,
Nhưng thân hành đúng pháp,
Không phóng túng chánh pháp,
Mới xứng danh trì pháp". (Pháp Cú 259)
"Pháp thí, thắng mọi thí!
Pháp vị, thắng mọi vị!
Pháp hỷ, thắng mọi hỷ!
Ái diệt, thắng mọi khổ!" (Pháp Cú 354)
Nhờ chánh pháp soi đường dẫn dắt, nên trí tuệ phát triển khả năng có thể đoạn trừ dục lạc, chiến thắng ma quân và cuối cùng đưa đến giác ngộ và giải thoát:
"Biết thân như đồ gốm,
Trú tâm như thành trì,
Chống Ma với gươm trí ;
Giữ chiến thắng không tham" (Pháp Cú 40)
"Biết thân như bọt nước,
Ngộ thân là như huyễn,
Bẻ tên hoa của ma,
Vượt tầm mắt thần chết". (Pháp Cú 46)
"Những ai hành trì pháp,
Theo chánh pháp khéo dạy,
Sẽ đến bờ bên kia,
Vượt ma lực khó thoát". (Pháp Cú 86)
"Dòng ái dục chảy khắp,
Như giây leo mọc tràn,
Thấy giây leo vừa sanh,
Với tuệ, hãy đoạn gốc". (Pháp Cú 340)
Và một khi được chánh pháp soi đường, hướng dẫn tu tập, nên trí tuệ càng ngày càng tiến dần đến giác ngộ, sáng ngời với chánh trí, chánh giác:
"Như giữa đống rác nhớp,
Quăng bỏ trên đường lớn,
Chỗ ấy hoa sen nở,
Thơm sạch, đẹp ý người". (Pháp Cú 58)
"Cũng vậy giữa quần sanh,
Uế nhiễm, mù, phàm tục,
Ðệ tử bậc Chánh Giác,
Sáng ngời với Tuệ Trí". (Pháp Cú 59)
"Tỷ kheo tuy tuổi nhỏ
Siêng tu giáo pháp Phật,
Soi sáng thế gian này,
Như trăng thoát khỏi mây". (Pháp Cú 382)
Và vị hành giả, sau khi đã thành tựu Giới học, Ðịnh học và Tuệ học, cuối cùng đạt được mục đích cứu cánh, đoạn trừ các lậu hoặc, chấm dứt sanh tử và khổ đau:
"Tài sản không chất chứa,
Ăn uống biết liễu trì,
Tự tại trong hành xứ,
"Không vô tướng, giải thoát",
Như chim giữa hư không,
Hướng chúng đi khó tìm". (Pháp Cú 92)
"Ai lậu hoặc đoạn sạch,
Ăn uống không tham đắm,
Tự tại trong hành xứ,
'Không, vô tướng, giải thoát'.
Như chim giữa hư không,
Dấu chân thật khó tìm".(Pháp Cú 93)
"Người tâm ý an tịnh,
Lời an, nghiệp cũng an,
Chánh trí, chơn giải thoát,
Tịnh lạc là vị ấy". (Pháp Cú 96)
"Ai quy y Ðức Phật,
Chánh pháp và chư tăng,
Ai dùng chánh tri kiến,
Thấy được bốn Thánh đế.
Thấy khổ và khổ tập,
Thấy sự khổ vượt qua,
Thấy đường Thánh tám ngành,
Ðưa đến khổ não tận.
Thật quy y an ổn,
Thật quy y tối thượng,
Có quy y như vậy,
Mới thoát mọi khổ đau". (Pháp Cú 190-191-192)
"Tỷ kheo, tát thuyền này,
Thuyền không, nhẹ đi mau.
Trừ tham, diệt sân hận,
Tất chứng đạt Niết Bàn". (Pháp Cú 369)
Kinh Pháp Cú ngoài vấn đề Giới-Ðịnh-Tuệ được trình bày trên, còn đề cập rất nhiều đề tài phong phú khác, khó mà trình bày một cách đầy đủ. Chúng ta cảm tưởng hình như vấn đề quan trọng nào cũng được đề cập đến, khiến Kinh Pháp Cú trở thành một kho tàng Phật bảo để chúng ta nghe những lời dạy quý báu của Ðức Phật, giúp chúng ta sống một cách tốt đẹp và có ý nghĩa, có lợi cho mình, có lợi cho người, có lợi cả hai.
Trước hết là một nhận xét chung, ít người qua được bờ bên kia, bờ giải thoát giác ngộ, còn phần đông cam tâm chịu ở bờ bên này, bờ của bất thiện, của trói buộc, của đau khổ:
"Ít người giữa nhân loại,
Ðến được bờ bên kia.
Còn số người còn lại,
Xuôi ngược chạy bờ này". (Pháp Cú 85)
Rồi Ðức Phật khuyến khích chúng ta nên làm các điều lành, vì các phước nghiệp đón chào người làm lành như thân nhân đón chào:
"Khách lâu ngày ly hương,
An toàn từ xa về,
Bà con cùng thân hữu,
Hân hoan đón chào mừng.
Cũng vậy các phước nghiệp,
Ðón chào người làm lành,
Ðời này đến đời kia.
Như thân nhân, đón chào". (Pháp Cú 219-220)
Ðể sách tấn loài người lo tu tập, Kinh Pháp Cú nói lên những nỗi khó khăn được làm người và được gặp Phật ra đời:
"Khó thay, được làm người,
Khó thay, được sống còn,
Khó thay, nghe diệu pháp,
Khó thay, Phật ra đời!" (Pháp Cú 182)
Tiếp đến là nỗi vui mừng, được Ðức Phật ra đời:
"Vui thay, Phật ra đời!
Vui thay, Pháp được giảng!
Vui thay, Tăng hòa hợp!
Hòa hợp tu, vui thay!" (Pháp Cú 194)
Với một số bài kệ liên tiếp, Ðức Phật trực tiếp nhắn nhủ các đệ tử của Gotama, tức là các đệ tử của Ngài, những lời dạy thiết thực đi đến tâm, thay hẳn đời sống thường nhật bên ngoài. Một khi mình ý thức được mình là đệ tử Ðức Phật, tức là mình phải nghe những lời dạy của vị Bổn Sư của mình, để tự mình sửa mình, để xứng đáng là đệ tử của một bậc đã giác ngộ, đã giải thoát:
"Ðệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác
Vô luận ngày hay đêm,
Thường tưởng niệm Phật Ðà".
"Ðệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Thường tưởng niệm Chánh Pháp". (Pháp Cú 296-297)
"Ðệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Thường tưởng niệm Tăng già".
"Ðệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Thường tưởng niệm sắc thân".
"Ðệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Ý vui niềm bất hại".
"Ðệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Ý vui tu thiền quán". (Pháp Cú 298-299-300-301)
Một nét nổi bật nữa trong Kinh Pháp Cú là dầu cho Ðức Phật có đề cập đến các điều ác, các điều bất thiện, nói đến sự quyến rủ của dục lạc, sự phá hại của Ác Ma, nhưng cuối cùng nét nổi bật hơn vẫn là khả năng hướng thượng của con người, khả năng đã phá vỡ mình, vương lên ánh sáng của giác ngộ, khả năng loại trừ các phiền trược, khổ ách vươn lên sức mạnh của giải thoát, thanh tịnh. Tiềm tàng trong những lời dạy của Ðức Phật, Kinh Pháp Cú dem lại cho những người Phật tử và thân hữu của Phật tử, một nổi vui nhẹ nhàng thanh thoát của những người hướng thiện, biết tránh điều dữ, làm các hạnh lành, biết làm cho nội tâm, thân hành, khẩu hành và ý hành thanh tịnh, nhất là nhờ làm các hạnh lành, được hưởng viễn ly lạc, nhờ nghe chánh pháp, được hưởng pháp lạc, nhờ hành thiền, được hưởng thiền lạc và nhờ đi gần đến giải thoát, được hưởng giải thoát lạc. Những bài kệ sau đây nói lên sự hoan hỷ, sự an lạc của những người con Phật trung thành với giáo pháp Phật dạy:
"Vui thay, chúng ta sống,
Không hận, giữa hận thù !
Giữa những người thù hận,
Ta sống, không hận thù!" (Pháp Cú 197)
"Vui thay, chúng ta sống,
Không bệnh giữa ốm đau !
Giữa những người bệnh hoạn,
Ta sống, không ốm đau". (Pháp Cú 198)
"Vui thay, chúng ta sống,
Không rộn giữa rộn ràng ;
Giữa những người rộn ràng,
Ta sống, không rộn ràng". (Pháp Cú 199)
"Vui thay chúng ta sống,
Không gì, gọi của ta.
Ta sẻ hưởng hỷ lạc,
Như chư thiên Quang Âm". (Pháp Cú 200)
Và cuối cùng xin nhắc lại bài kệ:
"Vui thay, Phật ra đời!
Vui thay, Pháp được giảng!
Vui thay, Tăng hòa hợp!
Hòa hợp tu, vui thay!" (Pháp Cú 194)
Thích Minh Châu
Trích: "Hãy tự mình thắp đưốc mà đi", Tuyển tập,
Thiền viện Vạn Hạnh, Saigon, 1990.
► ĐỪNG QUÊN CHIA SẺ CHO BẠN BÈ CÙNG XEM BÀI VIẾT NÀY (▰˘◡˘▰)